Tin Tức

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT VỀ “THẺ LƯU TRÚ” (ZAIRYU KA-DO)

Những điều không phải ai cũng biết về “Thẻ lưu trú” (zairyu ka-do)

Đây là số thứ 3 trong chủ đề liên quan đến Luật quản lý xuất nhập cảnh. Lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu về “Thẻ lưu trú” (zairyu ka-do). Khi nhập cảnh vào Nhật Bản với mục đích lưu trú trung hoặc dài hạn, bạn sẽ được nhận “Thẻ lưu trú”. Hẳn là rất nhiều người đã biết rằng người nước ngoài phải thường xuyên mang theo thẻ này khi ra đường.

Tuy nhiên, quy định đối với “Thẻ lưu trú” này không chỉ có việc phải mang theo thường xuyên. Trong các quy định liên quan đến thẻ lưu trú, có nhiều điều nếu không tuân thủ sẽ bị xử phạt, vì vậy các bạn cần hết sức chú ý. 【Tác giả: Văn phòng luật Century – Luật sư Sugita Shohei】

Đối tượng được cấp thẻ lưu trú

Đối tượng được cấp thẻ lưu trú là người nước ngoài lưu trú trong thời gian trung hoặc dài hạn. Người lưu trú trong thời gian từ 3 tháng trở xuống và những người có tư cách lưu trú loại “lưu trú ngắn hạn” hay “ngoại giao hoặc công vụ” sẽ không thuộc đối tượng này. Những người có tư cách lưu trú “du học” hay “thực tập kỹ năng” được cấp thẻ lưu trú.

Phải thường xuyên mang theo thẻ lưu trú

Những người được cấp thẻ lưu trú phải thường xuyên đem theo thẻ khi đi ra đường. Ngoài ra, trong trường hợp cảnh sát hoặc các nhân viên công vụ yêu cầu xuất trình thẻ lưu trú thì có nghĩa vụ phải xuất trình thẻ này.

✔ Không mang theo thẻ lưu trú → Có thể bị phạt tiền lên tới 200.000 yên (Theo Điều 75.3 Luật quản lý xuất nhập cảnh).

✔ Trong trường hợp cảnh sát hoặc các nhân viên công vụ yêu cầu mà không xuất trình được thẻ lưu trú → Bị phạt tù lên tới 1 năm hoặc phạt tiền lên tới 200.000 yên (Theo Khoản 2, Điều 75.2 Luật quản lý xuất nhập cảnh).

Không được phép cho mượn thẻ lưu trú

Chẳng hạn có trường hợp người không có thẻ lưu trú đề nghị bạn cho họ mượn thẻ lưu trú để đi phỏng vấn xin việc hoặc đi bệnh viện… Tuy nhiên, việc mượn và cho mượn thẻ lưu trú là hoàn toàn không được phép.

✔ Đưa thẻ lưu trú cho người khác, nhận thẻ lưu trú từ người khác, giữ thẻ lưu trú của người khác để sử dụng vào mục đích nào đó → Có thể bị buộc phải về nước (Theo tiểu mục Ro, Mục 5, Khoản 3, Điều 24 Luật quản lý xuất nhập cảnh).

✔ Cho người khác mượn thẻ lưu trú của mình để sử dụng vào mục đích nào đó → Bị phạt tù lên tới 1 năm hoặc phạt tiền lên tới 200.000 yên (theo Khoản 3, Điều 73.6 Luật quản lý xuất nhập cảnh).

Người cho mượn thẻ lưu trú có thể nghĩ rằng mình làm như vậy để giúp người khác, nhưng chính người cho mượn thẻ lại đang phạm pháp. Đã có trường hợp người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp nộp bản photocopy thẻ lưu trú của người quen cho chỗ làm để được tiếp tục làm việc tại Nhật khiến cả người đó và người cho mượn thẻ đều bị bắt. Ngoài ra, từng có trường hợp nộp cho bệnh viện thẻ lưu trú của người khác để được phẫu thuật, sau đó không thanh toán chi phí và cắt đứt liên lạc. Tình huống này thì người cho mượn thẻ cũng phạm tội. Các bạn nhất quyết không được cho người khác mượn thẻ lưu trú của mình nhé.

Không được phép mượn thẻ lưu trú

Mượn thẻ lưu trú của người khác cũng là hành vi phạm pháp. Làm như vậy, bạn sẽ gây phiền phức cho cả người cho mượn thẻ nên đừng mượn thẻ lưu trú của người khác nhé.

✔ Cầm thẻ lưu trú của người khác vì mục đích nào đó hoặc thực sự sử dụng thẻ lưu trú của người khác → Có thể bị phạt tù lên đến 1 năm hoặc phạt tiền lên đến 200.000 yên. Có thể bị buộc phải về nước (Theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 73.6 Luật quản lý xuất nhập cảnh và theo Tiểu mục Ro, Ha, Mục 5, Khoản 3, Điều 24 Luật quản lý xuất nhập cảnh).

Làm mất thẻ lưu trú

Khi phát hiện bị mất thẻ lưu trú, trong vòng 14 ngày từ ngày phát hiện mất thẻ, bạn phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú (nyukan) gần nhất để đăng ký cấp lại thẻ.

✔ Không đăng ký cấp lại thẻ lưu trú → Có thể bị phạt tù lên đến 1 năm hoặc phạt tiền lên đến 200.000 yên (Theo Khoản 2, Điều 71.2 Luật quản lý xuất nhập cảnh).

Cấm làm giả, chỉnh sửa thẻ lưu trú

✔ Sở hữu thẻ lưu trú giả hoặc đã chỉnh sửa để sử dụng vào mục đích nào đó → Là tội nặng (Có thể bị phạt tù lên đến 5 năm hoặc phạt tiền lên đến 500.000 yên). Có thể bị buộc phải về nước (Theo Điều 73.4, Tiểu mục I, Mục 5, Khoản 3, Điều 24 Luật quản lý xuất nhập cảnh).

✔ Sử dụng thẻ lưu trú giả hoặc đã chỉnh sửa → Là tội rất nặng (Bị phạt tù từ 1 năm đến 10 năm). Có thể bị buộc phải về nước (Theo Khoản 2, Điều 73.3 và Tiểu mục Ha, Mục 5, Khoản 3, Điều 24 Luật quản lý xuất nhập cảnh).

Có thể có lúc nào đó bạn rơi vào tình cảnh không có thẻ lưu trú, ví dụ như bỏ trốn khỏi nơi thực tập kỹ năng hay ở lại Nhật Bản sau khi hết thời hạn lưu trú theo tư cách du học… Không có thẻ lưu trú thì không có việc làm, cũng chẳng thể đi bệnh viện. Những lúc như vậy, nếu các bạn thấy thông tin rao bán thẻ lưu trú giả trên mạng xã hội… thì rất có thể các bạn sẽ muốn mua.

Tuy nhiên, việc làm giả hay chỉnh sửa thẻ lưu trú là hành vi phạm pháp. Việc sở hữu các thẻ lưu trú giả hay đã chỉnh sửa cũng là phạm pháp. Vì vậy, đừng mua thẻ lưu trú giả hoặc đã chỉnh sửa nhé. Để không phải dính dáng đến chuyện mua bán này, trước khi các bạn định bỏ trốn hay hết hạn tư cách lưu trú, hãy tìm đến các điểm tư vấn của cơ quan hành chính hoặc hội luật sư để được tư vấn. Nếu trao đổi ở 1 nơi chưa giải quyết được ngay vấn đề thì cũng đừng vội bỏ cuộc mà hãy tìm đến nơi khác để xin tư vấn tiếp nhé.

Nếu bạn là thực tập sinh kỹ năng và gặp vướng mắc, trước hết hãy trao đổi với đoàn thể quản lý. Trường hợp vẫn không giải quyết được thì hãy trao đổi với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT). Bạn có thể gửi nội dung xin tư vấn bằng tiếng Việt từ trang web dưới đây.

https://www.support.otit.go.jp/soudan/vi/

Ngoài ra, OTIT có cả số điện thoại tư vấn bằng tiếng bản địa (0120-250-168).

Trong trường hợp trao đổi với OTIT cũng không đem lại kết quả, bạn có thể trao đổi với đơn vị tư vấn tư nhân “Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật”. Tổ chức này có thể tư vấn cả các nội dung liên quan đến du học sinh.

Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật (E-mail): n.tomoiki@gmail.com

Hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài (Facebook): https://www.facebook.com/jissyuseisien/

Trên thẻ lưu trú có ghi họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch và địa chỉ cư trú… Trong trường hợp có thay đổi địa chỉ, trong vòng 14 ngày từ khi chuyển chỗ ở, hãy đến đăng ký tại chính quyền địa phương nơi cư trú mới, khi đi nhớ mang theo thẻ lưu trú.

✔ Nếu không đăng ký thông tin thay đổi chỗ ở → Có thể bị phạt tiền lên đến 200.000 yên (Theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 71.5 Luật quản lý xuất nhập cảnh).

Lời kết

Liên quan đến thẻ lưu trú, có rất nhiều điều luật và các quy định xử phạt như đã nêu ở trên. Trong trường hợp vi phạm nhẹ, cũng có thể bạn chỉ bị nhắc nhở là “lần sau hãy chú ý hơn”. Tuy nhiên, ngay cả như vậy đi nữa vẫn sẽ gặp bất lợi khi xin chuyển đổi tư cách lưu trú hoặc xin gia hạn thời gian lưu trú. Các bạn hãy cố gắng ghi nhớ kỹ và tuân thủ các quy định này nhé!

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *